...

Hội thảo | Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: Quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả

01 Tháng 10, 2020

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) cho biết, thương mại quốc tế không ngừng phát triển nhờ vào xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Là một trong những ngành then chốt trong thương mại quốc tế, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa cho sự vận động của các ngành nghề khác. Vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng một số thay đổi của thị trường, ngành logistics đã có những nỗ lực đáng kể trong hoạt động chuyển đổi số khi các mảng dịch vụ đều bước đầu sử dụng các công cụ điện tử, thiết bị công nghệ vào quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Mặc dù thị trường còn một số bỡ ngỡ; pháp lý vẫn còn nhiều điểm rủi ro, hạn chế, nhưng rõ ràng, sự thay đổi của ngành logistics đã góp phần không nhỏ vào lộ trình “số hóa” của toàn nền kinh tế quốc gia.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói về tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động Logistics và sự cấp thiết của vấn đề chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế số đang ngày càng được đẩy mạnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia đang tăng trưởng và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%), dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Đây là một con số rất ấn tượng cho thấy tiềm năng phát triển của ngành này rất lớn. Với mong muốn đem tới một cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về vấn đề phát triển cũng như vấn đề pháp lý trong lĩnh vực này, Hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả” là nơi chia sẻ thông tin của những nhà phân tích kinh tế và các chuyên gia pháp lý hàng đầu trong lĩnh vực Logistics không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam mà còn có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là dịp để chính những người trong cuộc trao đổi, chia sẻ về góc nhìn, hiểu biết của bản thân; cung cấp những thông tin có giá trị và hữu ích cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đem đến cho doanh nghiệp một bức tranh khái quát về thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics bằng các thông số, dữ liệu cụ thể. Từ đó có thể thấy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. “Hiện tượng” này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng Covid – 19 xuất hiện, các hoạt động cách ly diễn ra thì việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý doanh nghiệp càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bước vào quy trình chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ Logistics đến khách hàng, diễn giả cho rằng dịch vụ Logistics gồm nhiều mảng khác nhau chứ không đơn thuần là một hoạt động đơn lẻ, vì vậy khi thực hiện chuyển đổi số thì đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này cần phải có sự chuyển đổi đồng bộ. Để đạt hiệu quả cao, quy trình chuyển đổi số cung cấp dịch vụ đến khách hàng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động ở từng mảng khác nhau. Một trong số đó là xây dựng nên nền tảng số cho chuỗi dịch vụ Logistics, giúp kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho,...) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng, khai thác phương tiện, hiệu quả hoạt động và sản phẩm đầu tiên trên nền tảng số đó là eDO với công nghệ blockchain.

Tiếp nối phần trình bày của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), diễn giả Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM). Diễn giả cũng đề cập đến xu hướng mới trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng nhắm tới trong những năm gần đây, đồng thời đưa ra những đánh giá khách quan về các công cụ chuyển đổi số mà hầu hết đang được vận dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ 4.0 thì công cụ chuyển đổi số ngày càng trở nên đa dạng từ cơ bản đến phức tạp. Chẳng hạn về mức độ cơ bản có thể kể đến nhóm công cụ tăng năng suất làm việc cá nhân như Skype, Zalo, Viber,… Ở mức độ phức tạp thì có thể kể đến việc sử dụng AI để kiểm soát các hoạt động trong dây chuyền sản xuất, phát triển hệ thống blockchain,… Kết thúc bài trình bày, diễn giả nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nganh Logistics, bên cạnh đó là những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp ngành này cần phải vượt qua để khai thác được triệt để tiềm năng từ việc ứng dụng công nghệ.

Tiếp nối các nội dung về thực trạng chuyển đổi số, Luật sư Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có một số chia sẻ về các vấn đề pháp lý khi thực hành chuyển đổi số đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam. Bên cạnh việc đưa ra những thông tin hữu ích về khung pháp lý đối với E – Logistics, đặc biệt là về những thuận thời và hạn chế sẽ gặp phải khi hoạt động kinh doanh, cũng như khi giao kết các hợp đồng, giải quyết tranh chấp; chuyên gia còn cung cấp thêm kiến thức thực tiễn về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động Logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm - xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp). Hay vụ đàm phán nội dung hợp đồng bằng email, cụ thể các bên (người vận chuyển và người thuê vận chuyển) đã xác nhận đồng ý nội dung hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế (bằng email) nhưng chưa ký bản giấy. Từ các phân tích nói trên, chuyên gia đã đưa đến cho doanh nghiệp lời khuyên về việc lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc tính ngành, nghề; đơn cử là những thuận lợi khi áp dụng điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp trong hoạt động Logistics.

 

Sau cùng, Luật sư Đặng Việt Anh - Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANHISA về những lưu ý pháp lý điển hình trong hoạt động này. Trong nội dung trao đổi của mình, chuyên gia đề cập tới phương thức nhận diện rủi ro và tranh chấp thường gặp trong hợp đồng dịch vụ Logistics thông qua một số vấn đề pháp lý điển hình khi thực hiện hợp đồng. Thông qua những chia sẻ của chuyên gia, người nghe đã có góc nhìn cụ thể hơn khi đề cập tới những đặc thù trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ Logistics. Tiếp đó, chuyên gia cũng trình bày những điểm khác biệt so với hình thức truyền thống và rủi ro trên thực tế mà doanh nghiệp phải đối mặt. Có thể nói, những rủi ro này phát sinh chủ yếu từ việc khung pháp lý trong giao kết hợp đồng điện tử chưa thật sự được chú trọng dẫn đến việc áp dụng pháp luật vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi khiến doanh nghiệp e ngại trong việc ứng dụng phương thức giao kết mới.

 

Ở phần thảo luận với sự điều phối của Ông Nguyễn Trung Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài, Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư sáng lập EP Legal và giải đáp thắc mắc của các diễn giả, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, đại biểu tham dự cũng có những chia sẻ cụ thể về các vướng mắc liên quan đến pháp luật trọng tài.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI