...

Hội thảo “Logistics vùng Đông Nam Bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia”

24 Tháng 11, 2022

Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức hội thảo Logistics vùng Đông Nam Bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia. Sự kiện thu hút hơn 120 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định năm 2021, nền kinh tế - xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19, gây ra gián đoạn sản xuất và trình trệ trong lưu thông hàng hóa. Bước sang năm 2022, thị trường logistics toàn cầu đã phục hồi và bước vào giai đoạn mới với kỳ vọng mang lại tăng trưởng đáng kể cho cả năm. Các doanh nghiệp logistics, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn trụ vững, hơn hết còn góp phần ổn định chuỗi cung ứng, thúc đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, với tình hình biến động của thế giới ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới, doanh nghiệp logistics cần phải chủ động hơn, chuẩn bị những chiến lược tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cùng với đó là duy trì bền vững hoạt động kinh doanh.

Mở đầu Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã có các chia sẻ về hiện trạng logistics của khu vực Đông Nam Bộ với những đánh giá tổng quan cũng như nhận định về tiềm năng phát triển của ngành. Không chỉ giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container của cả nước. Đóng góp của vùng Đông Nam Bộ thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ông Tuấn, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời. Qua khảo sát, thống kê, chúng ta có thể thấy dịch vụ logistics hiện nay phát triển có phần chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, cần tăng cường hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng, triển khai hoạt động logistics để hệ thống logistics đạt hiệu quả tốt hơn, chất lượng hơn.

Theo Ông Huỳnh Văn Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn nhận định, một trong những vẫn đề quan trọng tác động đến hoạt động logistics là cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng của khu vực Đông Nam Bộ hiện vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics trong quá trình hoạt động. Theo đó, một số điểm nghẽn lớn có thể kể đến là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu; đường biển và thủy nội địa phát triển chưa tương xứng; chưa có đường sắt kết nối; thiếu thốn nguồn lực; hạ tầng mềm là công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển;… Nhằm giải quyết các vướng mắc này, từng địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng. Việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.

Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn đối với sự phát triển logistics tại TP. Hồ Chí Minh và các giải pháp phát triển ngành logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố so với khu vực vùng Đông Nam Bộ, Ông Nguyễn Công Luân – Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng hoạt động logistics tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang gặp phải nhiều trở ngại, nôi bật trong số đó là hiện trạng về hạ tầng. TP. Hồ Chí Minh vừa là thị trường tiêu thụ lớn, vừa là trung tâm phân phối lớn nhất nước, do đó, việc chưa có các trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí như thế này về lâu dài có thể gây nên những ách tắc nhất định cho sự lưu thông logistics. Từ các phân tích đưa ra, theo Ông Luân, cần có các giải pháp phù hợp, không chỉ về mặt chính sách, cơ chế mà còn về mặt hành động ở các địa phương để cải thiện hơn cũng như tạo tính đột phá hơn cho hệ thống logistics khu vực.

Cuối cùng, từ góc độ của chuyên gia pháp lý, ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có phần trao đổi về các tranh chấp phát sinh từ hoạt động logistics, một số hệ quả và khuyến nghị cho doanh nghiệp. Với kinh nghiệm tham gia giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực logistics, ông Lễ đã tiến hành phân tích, đánh giá thực tiễn tranh chấp thông qua các vụ việc được xử lý tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Ông Lễ nhấn mạnh, khi thực hiện giao dịch, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong việc xây dựng, bổ sung và điều chỉnh quy định hợp đồng, cũng như chú ý xem xét kỹ các điều kiện kinh doanh chuẩn để tránh tạo những bất lợi không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tại bài trình bày của mình, chuyên gia đã đưa ra một số vụ việc điển hình liên quan đến vấn đề chứng từ, điều khoản bất khả kháng,… đây là những vấn đề phổ biến, dễ phát sinh tranh chấp mà doanh nghiệp gặp phải thời gian qua và có thể là trong thời gian tới nếu không được giải thích, khuyến nghị kỹ càng. Theo chuyên gia, để phòng tránh rủi ro, hạn chế các mâu thuẫn, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn; có sự đầu tư và tìm hiểu kỹ càng trước khi tiến hành bất cứ giao dịch nào. Không chỉ vậy, chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước về việc lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp. Hiện nay, bên cạnh Tòa án, các phương thức trọng tài và hòa giải đang dần được các doanh nghiệp logistics ưa chuộng hơn bởi tính nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cũng sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi làm việc với bạn hàng quốc tế bởi đây là phương thức có tính quốc tế cao, linh hoạt với các bên và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại.  

Tại Hội thảo cũng đã nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp từ phía đại biểu tham dự, các câu hỏi cũng được các chuyên gia giải đáp một cách thấu đáo, đa dạng thông tin từ nhiều góc độ.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI