...

Tổ chức thành công Hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”

28 Tháng 10, 2022

Sáng ngày 27 tháng 10 năm 2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc. Sự kiện thu hút 150 đại biểu là giảng viên, sinh viên, học viên tham dự trực tiếp tại đầu cầu 2 trường đại học và hơn 250 đại biểu tham dự trực tuyến trên các nền tảng trực tuyến, trong đó gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các luật sư và cơ quan thông tấn báo chí.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh nhận định với xu hướng phát triển hiện nay, các doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ cũng đều mong muốn có thể “vươn ra thế giới”. Để thực hiện điều đó, doanh nghiệp đã chủ động mở rộng hơn các mối quan hệ nhằm phát triển hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể tránh khỏi những tranh chấp có thể xảy ra trong hoạt động giao thương này. Ông đánh giá cao sáng kiến của VIAC trong việc tổ chức hội thảo với sự kết nối cùng các đơn vị có uy tín sức ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp. Ông kỳ vọng, từ hội thảo, với những chia sẻ thực tiễn thì doanh nghiệp có thể đưa ra những kế hoạch hành động nhằm phòng tránh rủi ro trong tương lai hoặc ngay cả khi xảy ra tranh chấp cũng có phương án khắc phục hiệu quả. Tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Bá Bình – Trưởng khoa Khoa Thương mại quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ sự vui mừng trước sự hợp tác giữa các đơn vị. Ông đánh giá đây là hoạt động có ý nghĩa, không chỉ riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp mà còn với hoạt động đào tạo của các trường đại học. Không chỉ có ý nghĩa về mặt thực tiễn mà xét về mặt khoa học hoạt động giúp ích nhiều trong quá trình nghiên cứu của chính các giảng viên, học viên và sinh viên. Ông hy vọng, đây là tiền đề cho sự phối hợp của các đơn vị trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển. Sau cùng, từ góc độ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm đã có một số chia sẻ ngắn từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC. Ông nhận định tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa luôn chiếm tỷ lệ chủ yếu và tăng dần qua các thời kỳ. Trong tiến trình xuất nhập khẩu, mua bán hàng hóa ngoại thương, không ít doanh nghiệp Việt đã gặp rủi ro khi giao dịch với đối tác nước ngoài. Và ông cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp cần bắt tay xây dựng một chiến lược bài bản hơn trong quản trị rủi ro hợp đồng và giải quyết tranh chấp, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”, phát sinh rủi ro rồi mới quay lại rà soát hợp đồng. Ông hy vọng, Hội thảo sẽ là một diễn đàn bổ ích để các doanh nghiệp, giảng viên, các bạn sinh viên cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức, trải nghiệm thực tế của mình.

Mở đầu Hội thảo, Ông Vũ Xuân Hưng – Trưởng phòng pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) đã có những chia sẻ về bức tranh hoạt động giao thương quốc tế trong bối cảnh nhiều biến động trên thị trường hiện nay. Ông cho biết, trong suốt giai đoạn từ năm 2018 đến nay, bức tranh kinh tế thế giới gặp nhiều biến động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam. Trong đó phải kể đến căng thẳng thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ trong khoảng những năm 2018-2020, chính sách thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp vào hàng hóa của nhau trong thời gian dài đã gây những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như xu hướng chuyển dịch, tái cấu trúc chuỗi cung ứng của hai cường quốc nói riêng và cả thế giới nói chung. Tiếp theo đó là hệ lụy từ cuộc chiến Nga – Ukrainer, đây được coi là cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến dòng chảy năng lượng toàn cầu và nguy cơ góp phần khủng hoảng lương thực toàn cầu. Và đặc biệt, sự bùng phát và kéo dài của đại dịch Covid-19 cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giao thương quốc tế. Mặc dù có nhiều biến động trên thế giới nhưng Việt Nam là một trong những nước có tốc độ “hồi phục” hiệu quả nhờ tham gia WTO và các Hiệp định thương mại tự do. Theo bản tin doanh nghiệp và thương mại do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI phát hành Quý I-II/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 371,32 tỷ USD và thặng dư thương mại là 0,74 tỷ USD. Đây là con số đáng tự hào đối với một quốc gia đang phát triển. Dưới góc độ là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, ông cũng đưa ra những khảo sát về rủi ro mà doanh nghiệp thường xuyên gặp phải trong quá trình giao thương quốc tế. Trong đó, vấn đề lừa đảo và tội phạm kinh tế được ông nhấn mạnh, mặc dù tủ lệ doanh nghiệp gặp lừa đảo và tội phạm kinh tế đang có xu hướng giảm, tuy nhiên không nhiều và ngày càng tinh vi.

Vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một tình huống vô cùng đặc biệt, đó là vụ việc lừa đảo gần 100 container hạt điều, đây được xem là vụ lừa đảo lớn nhất của doanh nghiệp Việt. Và để làm rõ hơn vấn đề trên cũng như giúp doanh nghiệp rút ra bài học khi tham gia giao thương quốc tế, Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) có phần tham luận với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn khi xuất khẩu hàng hóa và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam”. Ông cho rằng 3 nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc Container điều là việc doanh nghiệp Việt đã không kiểm tra thông tin đối tác và quá tin tưởng vào công ty môi giới. hơn nữa phía đối tác cũng tận dụng thời điểm dịch bệnh còn khó khăn mà gây ra tác động tâm lý đến doanh nghiệp Việt, với số lượng hàng hóa lớn, doanh nghiệp Việt đã không thận trọng, lơ là các yếu tố khác. Ngoài ra, phương thức thanh toán mà doanh nghiệp Việt sử dụng trong trường hợp này là chưa phù hợp, chứa đựng nhiều rủi ro. Với thực tiễn vụ việc nêu trên, ở góc độ hiệp hội, ông đưa ra những bài học cho các doanh nghiệp tham gia giao thương quốc tế, thứ nhất, doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập với môi giới; thứ hai, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác; thứ ba, nên dùng các phương thức thanh toán an toàn hơn; thứ tư, cần trao đổi với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo; thứ năm, cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của Hiệp hội ngành nghề khi xảy ra vụ việc; thứ sáu, cần chủ động và nỗ lực trong giải quyết vụ việc của mình. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm tham gia hỗ trợ doanh nghiêp điều giải quyết vụ việc Container điều nêu trên, ở góc độ hiệp hội, ông cũng gửi đến các hội/ hiệp hội ngành nghề cần thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin với hội viên để phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời; kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các Bộ, Ngành liên quan, với Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia; đồng thời, coi trọng công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, phóng viên, đây thực sự là lực lượng quan trọng, hoạt động hiệu quả trong quá trình giải quyết vụ việc.

Tiếp nối phần tham luận của ông Bạch Khánh Nhựt, phần 2 với chủ đề “Phòng tránh tranh chấp và kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế” nhằm giúp doanh nghiệp có góc nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng tránh cũng như giải quyết tranh chấp ngoại thương. Mở đầu phần 2 là phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Bộ môn Kinh doanh và Thương mại Quốc tế Cơ sở II Trường ĐH Ngoại thương tại TP. HCM về cách thức để doanh nghiệp tránh “bẫy” khi xuất khẩu hàng hóa. Ở góc độ chuyên gia ngoại thương, bà đưa ra những lưu ý khi xác định năng lực đối tác nước ngoài và kỹ năng thu thập thông tin từ đối tác một cách hiệu quả. Việc kiểm tra này nhằm hạn chế phát sinh tranh chấp và tránh bị lừa đảo, với tốc độ phát triển của xã hội thì không đơn thuần là những thông tin ở bề nổi, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ vì nhiều sự lừa đảo nằm ở những chi tiết nhỏ nhặt mà đôi khi doanh nghiệp cho là không quan trọng và không để ý đến. Hiện nay có rất nhiều kênh giúp doanh nghiệp có thể kiểm tra đối tác như giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp; tìm kiếm thông tin từ Thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao; Hiệp hội, VCCI; các công ty cung cấp dịch vụ xác minh cũng là một sự lựa chọn. Bên cạnh việc kiểm tra đối tác thì khi ở giai đoạn đàm phán, doanh nghiệp cũng cần xác định phương thức thanh toán để thỏa thuận và thống nhất, bởi đây là một trong những rủi ro tương đối khó khắc phục khi có tranh chấp xảy ra. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phương thức thanh toán như mối quan hệ đối tác; giá trị đơn hàng; mức độ cạnh tranh của ngành hàng; tình hình kinh tế, chính trị,… Cuối cùng, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm về việc chuẩn bị và sử dụng bộ chứng từ. Hiện nay, việc chứng từ bị giả mạo hay thông tin không chính xác không còn xa lạ với các doanh nghiệp nhập khẩu. Ngược lại, đối với người xuất khẩu thì cần xác định và thống nhất rõ về giá trị/ ý nghĩa các chứng từ; cách phát hành/ký phát như thế nào; số lượng bản gốc, bản sao cần có và thời gian, cách thức xuất trình.

Ở góc độ pháp lý, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng khoa Khoa Pháp luật thương mại quốc tếThS. Trần Phương Anh – Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội đã có những chia sẻ về rủi ro trong thực tiễn hợp đồng thương mại quốc tế và lưu ý cho doanh nghiệp. Thứ nhất, trong việc giao – nhận hàng hóa, doanh nghiệp cần xác định đúng “khoảng thời gian hợp lý” để giao hàng và phân biệt thời điểm “chuyển dịch rủi ro” và thời điểm “chuyển quyền sở hữu” hàng hóa. Trong thực tế, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng hợp đồng mẫu và điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng sau này. Điển hình về vấn đề “thời gian giao hàng”, nếu các bên không quy định rõ mốc thời gian cụ thể, khi có tranh chấp sẽ rất khó chứng minh ý chí ban đầu của các bên và có thể dẫn đến thua kiện. Thứ hai, đối với chất lượng hàng hóa, cần xác định chất lượng liệu đã đúng như quy định trong hợp đồng hay chưa; nếu không thỏa thuận về chất lượng hàng hóa trong hợp đồng, làm sao xác định tính phù hợp về chất lượng hàng hóa; và trong trường hợp có tình huống phát sinh nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên thì cần xử lý như thế nào. Nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên, Bà Trần Phương Anh đã đưa ra những tình huống thực tiễn để minh họa. Thứ ba, môi giới thương mại và ủy thác mua bán hàng hóa là 2 vấn đề mà còn gây nhầm lẫn và chứa ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Đối với môi giới thương mại, rủi ro đến từ việc môi giới thiếu trung thực khi cung cấp thông tin của các bên mua bán; thiếu các loại giấy tờ chứng minh từ cách cần thiết; không ký hợp đồng cụ thể mà chỉ trao đổi miệng; hay hứa bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại phát sinh hoặc bảo đảm lợi nhuận cho khách hàng. Còn đối với việc nhận ủy thác thương mại, được hiểu là bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy tác. Trong nhiều trường hợp thực tiễn, ông bắt gặp việc các doanh nghiệp thờ ơ trong việc xác minh đơn vị nhận ủy thác mà chỉ quan tâm đến những vấn đề thương mại (lợi nhuận, lợi ích thương mại). Dẫn đến việc khi bên nhận ủy thác gặp sự cố và giải thể thì doanh nghiệp không biết xoay sở như thế nào đối với khoản nợ hàng còn tồn đọng. Từ đó, ông nhận định, các doanh nghiệp cần quan tâm “tuổi thọ” của bên nhận ủy thác để hạn chế các vấn đề phát sinh sau này.

Cuối cùng là phần thảo luận chung của các chuyên gia với sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Các ý kiến đóng góp, chia sẻ từ đại biểu tham dự trực tiếp cũng như trực tuyến đã góp phần tạo nên thành công của sự kiện. Qua đó giúp các doanh nghiệp có những thông tin hữu ích và kinh nghiệm cần thiết liên quan đến việc giao thương quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp trên thực tế.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI